Thực tế trên đã cản trở việc bình thường hóa hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Thực tế trên đã cản trở việc bình thường hóa hoạt động xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Anh T.L.Đ.T. (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết thường xuyên di chuyển trên đường Phạm Văn Đồng kể cả ngày lẫn đêm. Gần đây, anh mở ứng dụng Google Maps lên thì thấy trên đường này có vị trí hiển thị nội dung "chốt kiểm tra nồng độ cồn".
"Tôi thấy khá ngạc nhiên, không biết ai đã đưa nội dung này lên Google Maps. Nếu đúng là cảnh sát giao thông đưa lên thì có phải họ công khai các chốt kiểm tra nồng độ cồn", anh T. nêu ý kiến.
Giải đáp thắc mắc này, lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết tuyến đường Phạm Văn Đồng do Đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh (thuộc Phòng PC08), đảm trách.
Đường Phạm Văn Đồng là tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng xe cộ di chuyển đông vào giờ cao điểm, tuyến đi qua các quận như Bình Thạnh, Gò Vấp và TP Thủ Đức.
Việc thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn được Đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh triển khai đồng bộ, thường xuyên trên nhiều tuyến đường, vị trí mà đội đảm trách. Chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn sẽ được triển khai kết hợp lập chốt và tuần tra kiểm soát trên đường.
Theo đó, các tổ tuần tra kiểm soát sẽ linh hoạt tuần tra, kiểm soát tại một điểm kết hợp tuần tra, kiểm soát cơ động, tập trung tại những tuyến đường, địa bàn mà đội/trạm (thuộc Phòng PC08) đảm trách.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn cố định hoặc kết hợp tuần tra, kiểm soát trên đường - Ảnh: PC08
Về việc một vị trí trên đường Phạm Văn Đồng mà ứng dụng Google Maps hiển thị cụm từ "chốt kiểm tra nồng độ cồn" không phải do Phòng PC08 thực hiện, đưa lên. Không riêng gì địa bàn Đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh, kể cả trên các địa bàn khác do đội/trạm thuộc Phòng PC08 đảm trách cũng như vậy.
Anh Mai Hữu Hoàng Vương (27 tuổi, một người am hiểu về công nghệ) cho biết người dùng có thể vào phần chỉnh sửa, bổ sung địa điểm trên Google Maps, sau đó điền thông tin địa điểm mà mình muốn hiển thị.
Tuy nhiên, người dùng phải chứng minh được địa điểm đó có thật và phải phù hợp hay không. Sau đó, đề xuất với Google Maps và chờ để xác nhận.
Chỉnh sửa thông tin sai trên bản đồ Google
Trả lời về vụ việc, đại diện Google (sở hữu dịch vụ bản đồ Google Maps) cho biết: "Chúng tôi hiện đã nắm được thông tin và đang tiến hành khắc phục lỗi này".
Theo chia sẻ của Google, dữ liệu được hiển thị trên Google Maps đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm các bên thứ ba, nguồn dữ liệu công khai và đóng góp từ người dùng. Mục đích mang lại trải nghiệm toàn diện và cập nhật nhanh chóng cho người dùng.
Theo đó, dịch vụ bản đồ Google Maps cho phép người dùng đề xuất những thông tin địa điểm mới nhằm cung cấp những thay đổi nhanh nhất cho cộng đồng (thay vì chờ có sự xác nhận của cơ quan chức năng).
Chẳng hạn, chữ P (Parking) trên bản đồ được dùng cho địa điểm đậu xe, phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, ở nhiều nước, các điểm đậu xe thường xuyên bị thay đổi hoặc xuất hiện mới mà Google không thể cập nhật kịp thời. Khi đó, thông tin từ chính người dùng là cập nhật kịp thời tốt nhất cho cộng đồng.
Thế nhưng, ở Việt Nam lại bị người dùng làm "biến tướng" thành "chốt kiểm tra nồng độ cồn" như báo Tuổi Trẻ nhận được thông tin phản ánh của người dân.
Vụ việc được Google gọi là "một số sự cố có thể phát sinh từ một trong số các nguồn dữ liệu".
Đại diện Google cũng cho biết: "Người dùng khi phát hiện lỗi hoặc thiếu địa điểm trên Google Maps có thể sử dụng công cụ "thông báo dữ liệu hoặc thông tin sai trên Google Maps" để thông báo về sự cố với chúng tôi".
Theo đó, trên bản đồ Google Maps, tại địa điểm người dùng thấy sai hoặc không đúng với thực tế, họ có thể đề xuất chỉnh sửa hoặc loại bỏ thông tin địa điểm theo các bước: Chọn địa điểm - Đề xuất chỉnh sửa - Đóng cửa hoặc xóa bỏ. Sau đó, người dùng nhập lý do cho đề xuất của mình và gửi thông tin đến Google.